Làng tái chế nhôm Mẫn Xá nhìn từ trên cao. Ảnh: PV.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải vừa ký ban hành các Quyết định xử phạt hành chính 5 cá nhân tại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền 875 triệu đồng.
Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định xử phạt 5 cá nhân gồm: bà Mẫn Thị Hòa (Cường); bà Nguyễn Thị Hương (Lai); ông Nguyễn Văn Quân (Thanh); ông Nguyễn Văn Chiến (Hương) và ông Hoàng Văn Hải (Hiển) vì có hành vi cô đúc nhôm (tái chế chất thải rắn) nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Mỗi cá nhân bị xử phạt 175 triệu đồng, đồng thời, bị đình chỉ hoạt động 9 tháng và buộc phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ, các cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt này trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn trên, các cá nhân không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Mẫn Xá là làng tái chế nhôm quy mô lớn nhất miền Bắc, với hơn 300 hộ sản xuất. Nghề đúc nhôm đã đem đến cuộc sống khấm khá cho người dân, thậm chí làng còn được gọi tên khác là “làng tỉ phú” với nhiều căn nhà tiền tỉ được mọc lên.
Tuy vậy, hệ lụy là tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp diễn ra nhức nhối nhiều năm qua. Gần đây, khi cơ quan chức năng lên phương án thu gom, xử lý các điểm đổ xỉ thải cũ thì người dân lại đổ trộm ở những địa điểm mới.
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: “UBND tỉnh Bắc Ninh đã có chỉ đạo với UBND huyện Yên Phong xây dựng đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề ở xã Văn Môn. Đảm bảo công khai, rõ ràng để người dân được biết. Có lộ trình phù hợp với thực tế và có tính khả thi cao”.
Quyết liệt xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề
Vừa qua, Bắc Ninh đã có những động thái quyết liệt trong việc xử lý tình trạng ô nhiễm ở CCN Phú Lâm và làng nghề Phong Khê. Theo thống kê, từ tháng 5.2021 đến nay, đã có tổng cộng 54 doanh nghiệp, hộ sản xuất giấy ở Phong Khê và Phú Lâm đã bị xử phạt tổng số tiền gần 19 tỉ đồng và kèm theo hình phạt bổ sung là đình chỉ sản xuất từ 4,5 đến 9 tháng.
Các doanh nghiệp và hộ sản xuất được cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật trước khi vận hành trở lại.